Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số gửi báo cáo chuyên đề tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối của Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương
Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số gửi báo cáo chuyên đề tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối của Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương:
DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Cung cấp DVCTT sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, nhưng quan trọng hơn là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, giúp giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Việc cung cấp DVCTT của các cơ quan nhà nước thời gian qua đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp DVCTT, trên 97,3% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ 4.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là hiệu quả cung cấp DVCTT chưa cao. Mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số là 80% DVCTT phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ, Báo cáo chuyên đề Tuần 10, Tuần 18 đã đề cập đến chủ đề DVCTT và đề xuất các giải pháp thúc đẩy; tuy nhiên, đến hết tháng 5/2022, tính trung bình trên cả nước, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ mới đạt khoảng 30%, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mới đạt khoảng 32%; nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, mục tiêu đặt ra rất khó đạt được.